Số 4/28/379 Phố Đội Cấn, P. Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội
Sở Công thương TPHCM vừa có báo cáo về việc đảm bảo hàng hoá, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Năm nay, chương trình bình ổn thị trường tại TPHCM có 69 đầu mối chuỗi cung ứng hàng hoá tham gia, tăng 10 đơn vị so với năm ngoái.
Đặc biệt, năm nay TPHCM lần đầu triển khai chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hoá, gọi tắt là “Tick xanh trách nhiệm”. Tham gia chương trình này, nhà cung cấp tự nguyện chịu giám sát chất lượng, ngăn sản phẩm lỗi đến tay người tiêu dùng.
Hơn 500 mặt hàng bình ổn thị trường tại TPHCM sẽ có mức giảm giá đến 80%. Ảnh: Nhật Sinh
Bên cạnh đảm bảo nguồn cung hàng hoá, kiểm soát giá cả và chất lượng, 8 tập đoàn bán lẻ sẽ dẫn dắt chương trình này, hướng đến mục tiêu sản xuất thông qua tín hiệu thị trường.
Nằm trong chuỗi hoạt động bình ổn thị trường, chương trình bán hàng lưu động với chủ đề “Kết nối tiêu dùng - Lan toả yêu thương” sẽ được tổ chức luân phiên tại các địa bàn, hướng đến mục tiêu giảm gánh nặng chi tiêu cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.
Theo Sở Công thương, chương trình bán hàng lưu động năm nay có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng từ sản xuất, phân phối đến thanh toán. Nhiều chính sách ưu đãi được áp dụng, sẽ có hơn 500 mặt hàng giảm giá đến 80%.
Về nguồn cung hàng hoá, các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn cam kết chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng. Trong đó, các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2025 hơn 8.000 tỷ đồng.
Nhằm giảm áp lực mua sắm, dự trữ của người dân trước Tết Nguyên đán, gần như các hệ thống phân phối có kế hoạch hoạt động xuyên suốt, chỉ nghỉ mùng 1. Một số hệ thống cửa hàng tiện lợi mở cửa xuyên Tết.
Giá bán các mặt hàng bình ổn thị trường luôn được duy trì thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bán bình quân của sản phẩm cùng chủng loại, chất lượng trên thị trường. Các mặt hàng trong chương trình không tăng giá trong tháng trước và sau Tết.
Theo Anh Phương-ViệtNamNet