Số 4/28/379 Phố Đội Cấn, P. Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội
Chiều 14/1, hội nghị quốc tế và công bố nền tảng số quản trị giá dịch vụ chuỗi cung ứng logistics đã được tổ chức tại TP.HCM với sự tham dự của đại diện các hiệp hội ngành nghề, lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và các đối tác quốc tế trong ngành logistics.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM chia sẻ tại hội nghị.
Tại hội nghị, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, trong năm 2024, tổng doanh thu về logistics trên địa bàn TP.HCM ước đạt 180.000 tỷ đồng, chiếm 10% GRDP của thành phố.
Chi phí về logistics trước đây đo lường được chiếm khoảng 20% GDP, hiện đang giảm và được yêu cầu kéo giảm hơn nữa nhằm giảm chi phí, giảm giá thành, qua đó tăng cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Theo ông Vũ, logistics là lĩnh vực thành phố xác định còn nhiều dư địa phát triển trong tương lai. TP.HCM cũng xác định, logistics sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo để trở thành động lực trong quá trình tăng trưởng, qua đó khai thác lợi thế về hành lang giao thông, lợi thế logistics và trở thành trung tâm logistics lớn của khu vực.
Toàn cảnh hội nghị quốc tế và công bố nền tảng số quản trị giá dịch vụ chuỗi cung ứng logistics.
Một trong những giải pháp mà TP.HCM chú trọng là chuyển đổi số và ứng dụng số, vốn còn dư địa rất lớn.
Cũng theo ông Vũ, dịch vụ logistics hiện được Chính phủ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế toàn diện. Theo các chuyên gia, việc ứng dụng nền tảng số sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam. Mục tiêu là giúp giảm chi phí logistics từ 16,8 - 17% GDP xuống gần mức trung bình thế giới (10,6%).
"Logistics là động lực trong quá trình tăng trưởng, để TP.HCM khai thác được hành lang về giao thông, các lợi thế để trở thành trung tâm lớn về logistics của khu vực. Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, các tuyến đường vành đai 3, 4, đường sắt đô thị và hàng loạt công trình sẽ triển khai trong thời gian tới đã thể hiện quyết tâm của TP trong việc xây dựng hạ tầng làm nền tảng phát triển logistics", ông Vũ nói.
Doanh thu về logistics trên địa bàn TP.HCM ước đạt 180.000 tỷ đồng, chiếm 10% GRDP.
Bà Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, cho biết hiện nay khoảng 62% doanh nghiệp logistics đã thực hiện chuyển đổi số, hơn 24% đang có kế hoạch triển khai, trong khi số còn lại vẫn chưa sẵn sàng bước vào quá trình này.
Bà Hòa nhận định, công nghệ đóng vai trò hỗ trợ đối với logistics truyền thống. Còn với logistics hiện đại, công nghệ đóng vai trò thay đổi cả quy trình quản trị. Do đó, chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hậu cần nên ưu tiên đầu tư vào một nền tảng công nghệ chung để cải thiện sự hợp tác giữa các khu vực bán hàng. Với doanh nghiệp sử dụng dịch vụ hậu cần, có thể xây dựng chiến lược chuyển đổi số toàn diện theo lộ trình từng giai đoạn như cải thiện hệ thống hiện tại, đào tạo nguồn nhân lực và áp dụng công nghệ mới.
Công ty cổ phần giao nhận vận tải Mỹ Á ký biên bản hợp tác tại hội nghị.
Tại Hội nghị, Công ty cổ phần giao nhận vận tải Mỹ Á chính thức công bố nền tảng số quản trị giá dịch vụ chuỗi cung ứng logistics (E-pricing). Đây là giải pháp đột phá được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tối ưu hóa chi phí vận chuyển và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bà Võ Thị Phương Lan, Tổng giám đốc ASL Logistics cho biết, nền tảng này tích hợp nhiều tính năng như truy xuất dữ liệu lô hàng theo thời gian thực giúp doanh nghiệp quản lý minh bạch và chính xác từng giai đoạn trong chuỗi cung ứng. Toàn bộ dữ liệu lô hàng xuất nhập khẩu được bảo mật trên cùng một nền tảng, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Nền tảng cũng ứng dụng trí tuệ nhân tạo Copilot AI, hỗ trợ tư vấn chính sách xuất nhập khẩu và tự động hóa các quy trình.
Nói rõ hơn về định hướng phát triển xanh, bền vững, giảm phát thải trong hoạt động logistics, theo bà Lan, AI đóng vai trò quan trọng trong việc xác định lộ trình di chuyển cho các phương tiện vận tải. Theo đó, các phương tiện sẽ được đưa ra lộ trình nhanh nhất, thuận lợi nhất để di chuyển, qua đó, giúp giảm chi phí vận hành và giảm phát thải.
Đồng thời, với việc ứng dụng AI vào quản lý vận hành đã giảm thiểu đáng kể việc sử dụng giấy tờ, nâng cao tính tự động hóa. Đây cũng là cách hiệu quả để giảm phát thải.
“Chúng tôi tin tưởng rằng doanh nghiệp logistics với chiến lược rõ ràng sẽ tận dụng tốt các lợi ích của AI. Việc ứng dụng AI và chuyển đổi số toàn diện là mục tiêu quan trọng mà chúng tôi quyết tâm thực hiện trong năm 2025", bà Lan khẳng định.
Theo Mỹ Quỳnh-BáoGiaoThông