Số 4/28/379 Phố Đội Cấn, Phường Ngọc Hà, TP. Hà Nội
Eco Pharma - một doanh nghiệp dược phẩm trong nước đã triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc toàn trình cho dòng thực phẩm chức năng cao cấp từ đầu năm 2024. Mỗi sản phẩm đều được dán mã QR liên kết với nền tảng blockchain NDA Trace, cho phép người tiêu dùng truy vết lô nguyên liệu, thời gian sản xuất, nhà máy và đường đi đến siêu thị.
Truy xuất nguồn gốc là điều kiện tiên quyết để chống gian lận thương mại và xây dựng niềm tin thị trường.
Ông Hoàng Tuấn Anh - đại diện Eco Pharma chia sẻ: "Người tiêu dùng chỉ cần đưa điện thoại lên là có thể thấy lịch sử sản phẩm từ vùng trồng đến dây chuyền đóng gói, mức độ tin cậy tăng lên rõ rệt. Đơn hàng online tăng 30%, nhiều đối tác nước ngoài đánh giá cao và mở rộng đơn hàng".
Nhưng đằng sau câu chuyện thành công ấy là một khoản đầu tư đáng kể cho nền tảng dữ liệu, mã hóa blockchain, nhân sự kỹ thuật, và đặc biệt là việc phải "tự mình làm chủ" hệ thống, khi chưa có một nền tảng quốc gia tích hợp.
Do vậy, dù mang lại lợi ích rõ rệt, mô hình của Eco Pharma vẫn là trường hợp hiếm. Theo thống kê không chính thức từ Trung tâm Mã số - Mã vạch quốc gia, chỉ khoảng 5-10% doanh nghiệp sản xuất thực sự triển khai truy xuất toàn trình, phần lớn còn dừng ở mã QR cơ bản cho mục đích marketing hoặc chỉ phục vụ nội bộ.
Theo các doanh nghiệp, rào cản chính do chi phí đầu tư lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ nguồn lực xây dựng hệ thống riêng. Cùng với đó, việc thiếu nền tảng chung, việc tự triển khai riêng lẻ khiến dữ liệu không liên thông, thiếu xác thực pháp lý.
Trong khi đó, quy định hiện hành chưa buộc doanh nghiệp phải truy xuất toàn trình, do vậy hầu hết chỉ làm theo yêu cầu đối tác nước ngoài. Mặt khác, người tiêu dùng chưa có công cụ, cụ thể là app truy xuất chưa phổ biến, dẫn đến khó phát huy hiệu quả ngoài nội bộ.
Các chuyên gia cho rằng, truy xuất nguồn gốc nên là tiêu chuẩn bắt buộc.
Theo ông Nguyễn Huy Trưởng, Ban Công nghệ, Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia, truy xuất nguồn gốc không phải là vấn đề mới, nhưng trở thành vấn đề nhức nhối bởi còn manh mún, rời rạc, chưa có cơ chế xuyên suốt từ trên xuống dưới.
"Cần nền tảng xuyên suốt, chính sách toàn diện, dữ liệu là cấp thiết hàng đầu. Truy xuất nguồn gốc không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà là chiến lược quốc gia để bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao vị thế hàng Việt và tạo niềm tin trên thị trường quốc tế", ông Trưởng nói.
Trước thực trạng này, các chuyên gia và doanh nghiệp đề xuất nhóm giải pháp mang tính nền tảng như:
Xây dựng nền tảng quốc gia tích hợp, như NDA Trace, áp dụng công nghệ blockchain, định danh phi tập trung (DID), có bảo chứng pháp lý và vận hành theo thời gian thực;
Hoàn thiện hành lang pháp lý, thông qua Luật sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm - hàng hóa, bắt buộc truy xuất nguồn gốc đối với các nhóm hàng thiết yếu;
Chuẩn hóa 35 TCVN về định dạng mã và cơ chế truy xuất, chuyển từ tự nguyện sang áp dụng thực tế bắt buộc trong toàn chuỗi;
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ bằng chính sách trợ giá, miễn phí sử dụng nền tảng quốc gia trong thời gian đầu, đào tạo nhân lực kỹ thuật;
Phổ biến app truy xuất đến người tiêu dùng, tích hợp vào ứng dụng sẵn có như VNeID hoặc cổng dịch vụ công.
Bài học từ châu Âu cho thấy việc truy xuất là tiêu chuẩn bắt buộc. Đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng "bò điên" năm 1996, Pháp bắt buộc áp dụng hệ thống truy xuất toàn quốc cho ngành thực phẩm, đặc biệt với hàng có chỉ dẫn địa lý. Mã QR liên kết hồ sơ điện tử giúp người dân tra cứu ngay tại siêu thị, mang lại sự minh bạch và tăng sức cạnh tranh xuất khẩu.
Ông Bùi Bá Chính, Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số - Mã vạch Quốc gia nhấn mạnh: "Việt Nam cần học hỏi EU, Mỹ, Canada trong việc xác định truy xuất là chuẩn bắt buộc chứ không chỉ là sáng kiến riêng lẻ".
Chung quan điểm, đại tá Phạm Minh Tiến, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, Bộ Công an nhấn mạnh: Truy xuất nguồn gốc là điều kiện tiên quyết để chống gian lận thương mại và xây dựng niềm tin thị trường.
Theo Mộc Miên-Báo Xây Dựng